Công trình nghệ thuật hợp tác​​​​​​​ Việt Nam - Algeria qua tác phẩm “Người đi dép cao su”: Hình tượng Hồ Chí Minh trong kịch của tác giả Algeria

VHO- Nhà hát Kịch Việt Nam vừa tổ chức lễ khởi dựng vở Người đi dép cao su, một tác phẩm về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà viết kịch nổi tiếng người Algeria Kateb Yacine. Vở diễn được dàn dựng nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Algeria. Dự buổi lễ có Đại sứ Algeria tại Việt Nam Abdelhamid Boubazine và Đại sứ Palestin tại Việt Nam Saadi Salama cùng đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL)...

Công trình nghệ thuật hợp tác​​​​​​​ Việt Nam - Algeria qua tác phẩm “Người đi dép cao su”: Hình tượng Hồ Chí Minh trong kịch của tác giả Algeria - Anh 1

 Đại sứ Algeria tại Việt Nam Abdelhamid Boubazine cùng Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc và ê kíp sáng tạo tại Lễ khởi công dàn dựng vở

 Được sự kết nối từ Cục Hợp tác Quốc tế, tháng 4.2021, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Algeria tại Việt Nam (nhiệm kỳ 2019-2021) Mohamed Berrah đã đến thăm và làm việc với Nhà hát Kịch Việt Nam. Tại buổi gặp mặt này, Đại sứ đã trao tặng Nhà hát tác phẩm kịch thơ Người đi dép cao su và bày tỏ mong muốn sẽ phối hợp dàn dựng vở để chào mừng 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Algeria, thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị vốn có giữa hai nước. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên năm nay vở diễn mới được dàn dựng.

Dàn dựng và biểu diễn thành công trên nhiều sân khấu thế giới

Kateb Yacine là nhà văn Algeria (1929-1989) sống nhiều năm ở Pháp. Năm 1967, ông đến Việt Nam, những điều tai nghe mắt thấy về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng dân tộc trên đất nước Việt Nam… đã thôi thúc ông tìm hiểu lịch sử, con người và vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta. Tình yêu, sự kính trọng đối với dân tộc Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng sáng tạo cho nhà văn để kịch thơ Người đi dép cao su đã ra đời. Vở kịch đã được dàn dựng và biểu diễn thành công trên nhiều sân khấu thế giới trong những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX nhưng chưa từng được dàn dựng ở Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Abdelhamid Boubazine đã bày tỏ sự xúc động: “Kateb Yacine là một trong những nhà văn vĩ đại và xuất sắc nhất của văn học Algeria, ông đã dùng ngòi bút của mình để chống lại ách áp bức của thực dân. Vở kịch Người đi dép cao su là một trong những tác phẩm thể hiện tinh thần chiến đấu không mệt mỏi của Kateb Yacine chống lại mọi ách áp bức. So với các vở kịch khác viết về “chiến tranh Việt Nam” vở kịch của Kateb Yacine không chỉ lên án chiến tranh mà còn chuyển tải tư tưởng triết học. Cách tiếp cận tư tưởng được nhà viết kịch áp dụng cũng rất rõ ràng. Nó được minh họa bởi sự hiện diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng việc hát ca ngợi Người, Kateb Yacine đồng thời ca ngợi ý chí kiên cường chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản của Người”.

Công trình nghệ thuật hợp tác​​​​​​​ Việt Nam - Algeria qua tác phẩm “Người đi dép cao su”: Hình tượng Hồ Chí Minh trong kịch của tác giả Algeria - Anh 2

Theo Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc, nhìn một cách tổng quan và sâu rộng, Người đi dép cao su của Kateb Yacine không đơn thuần là một tác phẩm kịch thơ ca ngợi hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là một bản trường ca, khắc họa sống động hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; ngợi ca tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng để bảo vệ, giữ vững nền độc lập hôm qua, hôm nay và cho đến mai sau. NSƯT Xuân Bắc bày tỏ, đây chính là cột mốc đánh dấu sự hợp tác giữa Nhà hát Kịch Việt Nam và Đại sứ quán Algeria tại Việt Nam trong việc dàn dựng các tác phẩm sân khấu, góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước trên phương diện nghệ thuật, giúp gắn bó và nâng cao đời sống tinh thần, đưa kịch nói Việt Nam đến gần hơn với khán giả yêu mến nghệ thuật sân khấu trên toàn thế giới. “Nhà hát rất vinh dự và tự hào được lãnh đạo Bộ VHTTDL, Đại sứ quán Algeria tại Việt Nam tin tưởng giao nhiệm vụ dàn dựng và công diễn vở kịch. Chúng tôi sẽ cố gắng dồn hết tâm huyết, niềm đam mê, tài năng để sáng tạo, góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia trên phương diện nghệ thuật; giúp gắn bó và nâng cao đời sống tinh thần, cũng như đưa kịch nói Việt Nam đến gần khán giả trong nước và quốc tế”.

Xuất hiện những gương mặt trẻ vào vai Bác thành công

Vở diễn do NSƯT Xuân Bắc chỉ đạo nghệ thuật, với sự tham gia của ê kíp sáng tạo gồm nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng; biên đạo múa, NSND Kiều Lê… Đạo diễn vở, TS.NSƯT Lê Mạnh Hùng cho biết, nhận trọng trách đạo diễn vở kịch là thách thức rất lớn. Nguyên tác tập kịch thơ Người đi dép cao su gồm 8 hồi, 1.800 lời thoại với khoảng 150 nhân vật có lời thoại. Nội dung vở kịch dài theo trật tự thời gian của tiến trình lịch sử đất nước Việt Nam, từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, trải qua các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969. Đan kết vào trục chính ấy là các hành động kịch diễn ra ở các nước như Pháp, Mỹ, Trung Quốc... và nhiều nước khác trên thế giới. Tác phẩm là một cuộc trình diễn lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam bằng nghệ thuật sân khấu qua nhiều tuyến nhân vật trong tác phẩm, đặc biệt là hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Đây là kịch bản khó đối với người làm sân khấu Việt Nam. Ê kíp của chúng tôi đã biên tập ngắn gọn và súc tích hơn so với nguyên tác vở diễn từng dựng những năm 1970 ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ nguyên không gian kịch đồ sộ; trong đó nhân vật chính là hình tượng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được xây dựng khéo léo, để khán giả cảm nhận vừa nghe vừa nhìn được chân dung, tư tưởng, phong cách của Người xuyên suốt vở diễn mang tính biểu tượng, ước lệ”, đạo diễn Lê Mạnh Hùng chia sẻ.

Công trình nghệ thuật hợp tác​​​​​​​ Việt Nam - Algeria qua tác phẩm “Người đi dép cao su”: Hình tượng Hồ Chí Minh trong kịch của tác giả Algeria - Anh 3

Nhà hát Kịch Việt Nam đã huy động hơn 100 diễn viên tham gia vở diễn này. Vai chính Bác Hồ được giao cho hai nghệ sĩ Lê Quang Đạo (Bác Hồ thời trẻ) và Nguyễn Minh Hải (Bác Hồ thời trung niên). Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam bày tỏ niềm tin cả hai nghệ sĩ sẽ thể hiện thành công hình tượng Bác. Minh Hải đang là một trong những gương mặt trẻ vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh tốt nhất của Nhà hát. Gần đây, anh liên tục được cả giới sân khấu lẫn truyền hình mời đóng vai Bác Hồ. Minh Hải có vóc dáng, khuôn mặt, mái tóc phảng phất giống Bác, anh lại là người Nghệ An cho nên có sẵn chất giọng xứ Nghệ trầm ấm. Còn Lê Quang Đạo cũng gây xúc động mạnh với vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chùm kịch ngắn của Nhà hát Kịch Việt Nam. Vở kịch còn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tài năng quen thuộc như: NSƯT Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Tạ Tuấn Minh, NSƯT Hoàng Lâm Tùng, Khuất Quỳnh Hoa, Ngô Thế Nguyên, Nông Dũng Nam, Vũ Việt Hoa, Tô Tuấn Dũng…

Nói về sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Algeria về vở kịch, bà Nguyễn Phương Hoà - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế cho biết: “Tôi xúc động và mong chờ được thưởng thức vở kịch Người đi dép cao su. Vở diễn là sự nỗ lực của các nghệ sĩ hai nước, qua đó sẽ nâng tầm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Algeria. Vở diễn này được dàn dựng ở nhiều quốc gia nhưng đây là lần đầu tiên được công diễn tại Việt Nam. Chúng tôi mong muốn, qua tác phẩm này, công chúng Việt Nam hiểu về tình cảm, cách nhìn của bạn bè quốc tế về Bác Hồ vĩ đại của chúng ta…”. 

 THÚY HIỀN

 

Ý kiến bạn đọc